Khách hàng chỉ mua hang khi họ tin tưởng doanh nghiệp bạn. Dù có quảng cáo hay đến mấy nhưng không đạt được sự tin tưởng ở bài viết thì cũng khó có được doanh số thực tế. Bài viết này Thiên Trần chia sẻ đến Bạn những yếu tố gia tăng sự tin tưởng đến khách hàng mục tiêu. Bạn hãy đọc kỹ nhé!
Số lượng bài viết quảng cáo tiếp cận khách hàng sẽ càng lúc càng nhiều hơn và kèm theo rất nhiều lời hứa lợi ích từ sản phẩm. Khi có quá nhiều những lời hứa vào thời đại loạn thông tin như hiện nay thì sự nghi ngờ của khách hàng dần tăng lên.
“Anh nói sản phẩm chất lượng tốt, tôi rất cần NHƯNG làm sao tôi tin được điều đó?”.
“Anh nói sản phẩm có giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo giải quyết vấn đề của tôi NHƯNG làm sao tôi tin được điều đó?”.
“Anh nói dịch vụ hậu mãi sau bán hàng tốt và tôi cũng thấy điều này quan trọng NHƯNG làm sao tôi tin được điều này?”.
Bạn cần phải biết điều này: “Khách hàng chỉ mua hàng khi họ thực sự TIN TƯỞNG mà thôi!”.
Vì vậy, để bài viết thực sự đạt hiệu quả bán hàng, bạn cần cung cấp vào bài viết những LÝ DO giúp khách hàng TIN TƯỞNG những gì bạn viết. Hãy hỏi chính mình rằng: “Điều gì ở doanh nghiệp của mình sở hữu giúp gia tăng sự tin tưởng đến khách hàng?”.
Dưới đây là những LÝ DO giúp gia tăng sự TIN TƯỞNG ở khách hàng:
1. Cảm nhận của khách hàng.
Bạn viết rằng thương hiệu của mình uy tín và sản phẩm chất lượng tốt trên thị trường chỉ đơn thuần là thông tin quảng cáo. Nếu có phát biểu cảm nhận của một khách hàng tiêu biểu đề cập đến yếu tố chất lượng tốt về sản phẩm của bạn thì người đọc sẽ tin tưởng hơn. Cảm nhận khách quan của khách hàng là một trong những thông tin gia tăng sự tin tưởng cực kỳ cần thiết trong bài quảng cáo. Để đoạn cảm nhận khách hàng có hiệu quả bạn phải giúp người đọc tin rằng: Chia sẻ đó là người thật, việc thật.
Khi viết cảm nhận khách hàng, bạn không thể để 3 hoặc 4 cảm nhận rằng: “Tôi rất hài lòng về sản phẩm” hoặc “tôi rất hài lòng về chất lượng dịch vụ”,… Nếu bạn hỏi khách hàng họ cảm thấy như thế nào sau khi dùng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn? Thì đa số khách hàng đều nói ngắn gọn với chữ “hài lòng”. Và sau khi có được các cảm nhận, bạn thấy rằng cảm nhận nào cũng na ná nhau, không có những điểm riêng cho mỗi khách hàng. Điều này dẫn đến cảm giác không chân thực đối với người đọc và làm mất đi tính hiệu quả của các cảm nhận. Vì vậy, bạn cần lưu ý những điểm sau khi đưa thông tin cảm nhận khách hàng vào bài để làm LÝ DO TIN TƯỞNG:
⇒ Nếu sản phẩm của bạn có nhiều nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu, bạn nên tìm mỗi khách hàng đại diện cho mỗi nhóm. Bạn sẽ có đa dạng hơn những người chia sẻ cảm nhận sau khi sử dụng sản phẩm của bạn. Đặc biệt, mỗi nhóm đối tượng khách hàng đều thấy rằng đã có người tương tự mình đã sử dụng có kết quả tốt rồi thì sự tin tưởng và kích thích họ mua sản phẩm của bạn sẽ càng cao hơn (vì không ai lại muốn mình làm “chuột bạch” để mua thử trước tiên).
Mỗi cảm nhận khách hàng, bạn nên hỏi những câu hỏi khác nhau dưới nhiều góc độ của sản phẩm. Bạn hỏi thế nào thì khách hàng sẽ trả lời theo như vậy. Bạn muốn có cảm nhận ở góc độ “A” của sản phẩm, thì cứ đặt câu hỏi về góc độ đó, khách hàng sẽ phát biểu ý kiến tốt về góc độ “A”. Bạn hỏi về “Nhân viên phục vụ”, họ sẽ cho cảm nhận về nhân viên phục vụ. Bạn hỏi về “Không gian dịch vụ”, họ sẽ nói cảm nhận tốt về không gian dịch vụ mà họ đã trải nghiệm,... Vì vậy, mỗi cảm nhận sẽ có những điểm khác nhau giúp người đọc thấy sản phẩm của bạn có sự toàn diện hơn. Qua đó, cảm thấy tính chân thật của các cảm nhận hơn và gia tăng sự tin tưởng hơn.
Lưu ý thêm cho bạn:
"Để gia tăng sự hiệu quả của cảm nhận, bạn cần chọn hình ảnh thật của khách hàng, họ và tên đầy đủ, kèm theo nghề nghiệp chuyên môn của họ. Bạn cũng có thể trích thêm tên công ty của khách hàng đang công tác để gia tăng sự chân thật của cảm nhận (nếu được khách hàng cho phép)"
2. Chuyên gia nói về sản phẩm của bạn.
Còn gì bằng khi có người uy tín trong lĩnh vực chia sẻ tốt về sản phẩm của bạn. Nếu bạn có chi phí để thuê chuyên gia hoặc có những mối quan hệ thân thiết tốt đẹp với các chuyên gia trong ngành thì đó là lợi thế so với những đối thủ cạnh tranh khác.
3. CAM KẾT THẬT MẠNH MẼ (HOÀN TIỀN 100%, ĐỀN TIỀN, ĐỔI TRẢ MIỄN PHÍ nếu không hài lòng,…).
Tôi có học viên kinh doanh đồng hồ chính hãng đã sử dụng CAM KẾT MẠNH MẼ như sau: “HOÀN TIỀN 100% và ĐỀN TIỀN 10 TRIỆU ĐỒNG nếu phát hiện đồng hồ không phải là chính hãng”. Nếu bạn đang có nhu cầu mua đồng hồ chính hãng mà thấy một CAM KẾT MẠNH MẼ như vậy bạn có tin tưởng không? Chắc chắn là có! Bạn thấy đấy! CAM KẾT càng mạnh mẽ bao nhiêu thì sự tin tưởng càng gia tăng bấy nhiêu.
Bạn hãy tận dụng từ “Cam kết” và tìm những góc độ của sản phẩm có thể cam kết được với khách hàng. Cam kết càng nhiều, càng mạnh mẽ thì sự tin tưởng gia tăng càng cao. Ví dụ, nếu sản phẩm của bạn hoàn toàn mang lại hiệu quả thực tế cho khách hàng, bạn hãy “Cam kết hoàn tiền 100% nếu sử dụng sản phẩm không mang lại hiệu quả”.
Nếu sản phẩm của bạn là hàng chính hãng hoặc hàng có xuất xứ từ Mỹ, bạn hoàn toàn có thể sử dụng thêm từ “Cam kết” như “Cam kết 100% hàng chính hãng”, “Cam kết 100% hàng nhập khẩu từ Mỹ”. Nếu ngành hàng của bạn xuất hiện nhiều hàng giả, hàng nhái. Bạn vẫn có thể dùng thêm từ “Cam kết” chẳng hạn như “Cam kết đền tiền 100% nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái” hoặc “Cam kết đền tiền gấp 5 lần nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái”.
4. Lịch sử hình thành lâu năm.
Nếu doanh nghiệp của bạn đã tồn tại lâu năm như trên 10 năm hoặc trên 20 năm. Đó là thông tin gia tăng sự tin tưởng rất tốt, bạn cần thiết phải đưa vào bài viết quảng cáo. Còn nếu thương hiệu của bạn chỉ mới 1, 2 năm hoặc mới xuất hiện trên thị trường thì không nên đưa vào bài vì sẽ có tác dụng ngược lại, làm tăng thêm sự nghi ngờ nơi khách hàng.
5. Nguồn gốc đặc trưng đáng tin tưởng của sản phẩm.
► Nước hoa thì nguồn gốc ở Pháp sẽ đáng tin hơn nước hoa Thổ Nhĩ Kỳ.
► Hàng thời trang của Ý thì đáng tin hơn các mẫu thời trang của Mỹ.
► Phẫu thuật thẩm mỹ của Hàn Quốc lại chiếm được sự tin cậy hơn là những trung tâm ở các nước khác.
Nếu nguồn gốc sản phẩm của bạn mặc nhiên có được sự tin tưởng của khách hàng thì bạn nên nhắc thông tin này vào bài viết quảng cáo.
Hình ảnh Thiên Trần cùng đội ngũ giảng viên được Trung tâm Doanh Chủ tri ân
6. Các đơn vị đối tác có uy tín.
Nếu doanh nghiệp của bạn đang hợp tác hoặc có liên quan đến những đối tác đã có uy tín và nhiều người biết đến, thì chẳng có lý do gì mà bạn lại bỏ quên họ mà không đưa vào bài viết.
Khi viết quảng cáo cho sản phẩm dược là thuốc chống rụng tóc Byzaky, tôi đã đưa thông tin sản phẩm này được các giáo sư, tiến sĩ Công ty Dược Khoa – Trường Đại Học Dược Hà Nội nghiên cứu thành công. Rõ ràng sự uy tín của Trường Đại Học Dược Hà Nội đã gia tăng sự tin tưởng cho sản phẩm mới Byzaky.
Mượn những đối tác lớn, có uy tín để gia tăng sự tín nhiệm về sản phẩm của mình không chỉ áp dụng cho các bài quảng cáo. Tôi nhớ lại lúc mới đi xin việc, tôi đã vô tình áp dụng yếu tố này để gây sự tin tưởng về năng lực chuyên môn của mình trong hồ sơ xin việc.
Cụ thể là thay vì chỉ nộp các giấy tờ hồ sơ cơ bản, trong đơn xin việc tôi viết rõ những người thầy tôi đã từng học kèm theo công ty mà họ đang công tác. Tôi cũng viết cụ thể tôi đã học được những kiến thức nổi bật nào từ họ. Những người thầy tôi theo học được nhiều người biết đến trong ngành. Dường như, hồ sơ của tôi đều gây được sự chú ý và gia tăng được một phần sự tin tưởng về khả năng của bản thân mình đối với các nhà tuyển dụng.
7. Profile của đội ngũ chuyên gia (Profile của các bác sĩ phẫu thuật thẫm mỹ, nhà tạo mẫu tóc, nhà đào tạo,...).
8. Các chứng nhận, chứng chỉ, giải thưởng đạt được.
9. Bằng sáng chế hoặc công nghệ độc quyền.
10. Kết quả TRƯỚC – SAU khi dùng sản phẩm.
Những LÝ DO TIN TƯỞNG chính là những thông tin giúp khách hàng có thêm những cơ sở để tin tưởng. Qua đó, gia tăng sự an tâm để dễ đưa ra quyết định mua hàng.
----------------------------
THIÊN TRẦN - VIẾT ĐÚNG TÂM LÝ KHÁCH HÀNG
Tác giả sách: Kỹ Thuật Viết Bài PR - Quảng Cáo Đúng Tâm Lý Khách Hàng
Giảng viên đào tạo: Khóa Học Viết Đúng Tâm Lý Khách Hàng (Học Online)
Nhà Huấn Luyện: Khóa COACHING 1:1 Kỹ Năng Viết Content Cho Website
Mobile: 093.277.0307